Welcome to 12C2 Class Forum!
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn dành cho lứa tuổi năng động!
 
Trang ChínhPortalGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 4

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 124
Points : 23484
Reputation : 0
Join date : 10/09/2011
Age : 30
Đến từ : Đầm Dơi - Cà Mau

Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 4   Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 4 Icon_minitimeFri Mar 09, 2012 5:32 pm

Đảng "Cánh Buồm Đen"




Từ thuở nhỏ, Sáu Bộ theo một người bạn lên núi Cô Tô để học đạo nhưng không có đạo nào quyến rũ anh được lâu dài. Hết đạo Ớt qua tới đạo Đất; từ giã ông đạo Đất, anh đến thọ giới tại cốc của ông đạo Nằm. Chán ông đạo Nằm, anh đi lang thang qua núi Dài với ý định cuốc đất làm rẫy. buổi chiều đó, anh ngồi trên phiến đá, mắt đăm đăm nhìn cảnh núi rừng, chợt thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trầm hương từ từ đi lại. Đoán chừng đó là một trong số trăm ngàn đạo sĩ ở vùng Thất Sơn này, anh không để ý cho lắm. Nhưng ông lão nọ bỗng sừng bước trước mặt anh, nhịp gậy xuống đất ba lần, cười lên ba tiếng lớn mà rằng:

Chim bay về núi tối rồi.

Sao không lo liệu còn ngồi chi đây?

Anh đứng dậy, chắp tay chào. Đạo sĩ ung dung nói:

- Chưa nghe lời ta ư? Thời kỳ này là thời kỳ “mạt pháp”... Chim đã bay về núi, trời đã tối.

Anh đáp:

- Con chưa hiểu rõ. Bạch đạo sĩ, “mạt pháp” nghĩa là thế nào? Phải chăn mạt pháp là người Pháp tàn mạt?

Đạo sĩ gật đầu:

- Khá khen cho con. Hiềm vì con có chí mà thiếu tài. Nghe con nói, bần đạo vui vẻ biết mấy như giữa trưa nắng mà uống được nước Cam lồ. Mạt pháp có nghĩa là thời kỳ giáo pháp suy đồi, đạo đức của tiền nhân không còn được thịnh. Tại vì nhân tâm rối loạn ư? Cũng phải. Tại vì bọn Phù Lang Sa ư? Thậm phải... Con hiểu sai nhưng mà nói đúng.

- Bạch đạo sĩ, đó là chuyện quốc sự của kẻ còn nặng lòng trần tục.

- Nhưng ở đây chúng ta chưa phải là tiên. - đạo sĩ nói.

Đuối lý, anh cố suy nghĩ để trả lời. Đạo sĩ nói tiếp:

- Thời buổi mạt pháp nầy chưa có ai thành tiên hoặc gặp tiên được. Ai nói ngược lại tức là dối mình, dối người, dối với non cao, dối với bể rộng... Muốn thành tiên thì phải dày công tu luyện để ngày kia giữ được chức vị cao.

- Bạch đạo sĩ, công tu luyện ấy như thế nào... Chức vị ấy gọi là chi?

Đạo sĩ nói lớn:

- Gọi là chức vị “chặt đầu Tây”. Con nghe chưa? Con nghe chưa? Xưa kia đức Nguyễn Trung Trực phá Kiên giang. Lúc sa cơ, Người không mảy may úy tử. Trước pháp trường, giặc khuyến dụ trăm điều, hứa ban cho... Ôi thôi bao nhiêu là bạc vàng, chức vị! Người cả cười, chỉ xinh thọ lãnh một chức vị: chức nào mà Người có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây.

Giọng đạo sĩ như nghẹn ngào:

- Hỡi ôi! Dũng tướng đã rơi đầu mà lời vàng ngọc nọ mãi rền vang trong lòng người, khắp non cao biển rộng... Chặt đầu Tây! chặt đầu Tây!

Dứt lời, đạo sĩ quay mình. Gió thổi mạnh. Lá rừng cát núi bốc lên xoay tròn mờ mịt như khỏa dấu chân, che dáng hình của đạo sĩ. Anh Sáu Bộ tất tả chạy theo, đôi mắt chóa lòa như vừa sống trong một giấc chiêm bao mầu nhiệm.

- Sư phụ! Cúi xin sư phụ thương con!

Giữa muôn trùng cỏ cây, anh chỉ nghe đá núi vọng lại:

- Chặt đầu Tây! Lời ấy không phải của ta nói. Con nghe không? Lời ấy của trời đất nói.

Thế là năm năm sau, chàng trai trẻ ấy xuống núi. tên Sáu Bộ được sửa lại là Tư Hiền, Tư Hiền chỉ mang theo cây roi dài một thước tám, bằng cây trắc. Với cây roi ấy và đường quờn Lưu Thủy, anh nghiễm nhiên trở thành chúa đảng Cánh Buồm Đen, hùng cứ từ mũi Cà Mau đến hải phận Hà Tiên.

Sáng tinh sương,. Như thường lệ, Tư Hiền định cho ghe chạy dài theo mé biển. Vừa tách khỏi hòn Tre, gió nam thổi xuôi đưa anh về phía hòn Sơn Rái.

Kìa, một chiếc ghe trôi bềnh bồng theo sóng, lá buồm sụ xuống, cột buồm đứt hết dây chằng. Lập tức anh cập lại đoán có người vừa bị nạn. Trong ghe nọ chỉ thấy một ông lão nằm mê man bất tỉnh. Sau khi được cạy miệng uống hớp nước lạnh, ông tỉnh lại nhìn dáo dác:

- Ông đây là ai?

Tư Hiền đáp:

- Tôi là người đi mò ngọc điệp ở hòn Nhạn.

ông lão khóc nức nở:

- Ăn cướp đánh tôi. Cha con tôi đi Rạch Giá bán tôm khô, về ngang đây bị nó chận lại giựt hết tiền, bắt luôn con gái; hẹn ba ngày sau đem trả lại.

Tư Hiền nói:

- Nó đi hướng nào? Lâu mau rồi? Tôi bắt tụi bất lương này đem về lập tức cho ông coi.

Tức thời buồm mũi và buồm lái xổ ra. Tay anh siết dây lèo thượng. Ghe phóng nhanh tới. Không mấy chút, đã thấy một đốm đen trước mặt.

anh thét to:

- Tụi bây coi tao!

Chiếc ghe trước vẫn giương hai cánh buồm màu đen chạy ngạo nghễ, khinh thường. Anh cho ghe sát lại, nhảy qua quơ roi đánh mạnh khiến sợi dây chằng ghe nọ phải đứt.

Buồm sụ xuống. Ghe chạy đảo nghiêng gần chìm.

Nghe vù một tiếng, Tư Hiền vội né mình. Biết rằng gặp tay đối thủ lợi hại, anh bình tĩnh chống đỡ. Chợt liếc phía sau, thấy ngọn lao phóng tời, anh lách quạ Ngọn lao đâm trúng bẹ ghe, ghìm sâu vào, tên nọ lỡ trớn té xuống biển.

- Biết ta là ai chưa?

Chưa dứt lời, Tư Hiền đã gài ngọn roi của tên còn lại xuống sạp. Hắn cố sức gỡ lên nhưng không xuể, rốt cuộc đành quì xuống:

- Nói thiệt với ông, tôi là ăn cướp biển. Lâu nay tôi từng gặp nhiều người tài giỏi nhưng chưa ai bằng ông. Tên thiệt tôi là Năm Bùn.

Tư Hiền đáp:

- Tại sao đánh một người già cả, nghèo hơn mình? Con gái của người ta mày giấu ở đâu? Mau trả lại. Đồ du côn!

Năm Bùn năn nỉ:

- Trăm sự chỉ vì tôi chưa hiểu. Cô đó tôi giấu dưới khoang hầm.

Tư Hiền rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhan sắc khá lộng lẫy của cô nọ. Cô quì xuống lạy tạ Ơn. Lập tức, anh bèn đưa cô sang ghe mình. Sau khi nhận lời hứa tái ngộ với Năm Bùn tại hòn Đá Bạc, anh cho thuyền trở về gặp ông lão nọ.

Đêm ấy anh ăn cơm ở Rạch Cóc, tại nhà ông lão. Nhơn bữa ăn, anh nhận thấy ông lão có ý tạ Ơn mình bằng cách gả con gái cho, nếu anh muốn. Anh viện nhiều lẽ để từ chối. Trước lòng chân thành của gia đình, anh hứa sẽ trỡ về cưới, sau một thời gian hai năm.

- Kim Thoa! Đừng buồn nghe em. Anh thề chết sống gì cũng trở lại cưới em làm vợ. Bây giờ anh phải ra đi. Anh đi sao thì về vậy...

Từ giã xong. Tư Hiền cho ghe tách bến, nhắm hướng hòn Đá Bạc đúng theo lời hứa với Năm Bùn.

Thấy ghe của Tư Hiền đến đúng hẹn, Năm Bùn vô cùng mừng rỡ, khâm phục và ra lịnh cho bộ hạ phải nghiêm chỉnh đón chào.

Để tỏ lòng thành thật của mình, Tư Hiền đi hai tay không, để cây roi dưới ghẹ Chào hỏi xong xuôi anh nhờ Năm Bùn cho bộ hạ lấy roi lên giùm mình. Lúc ăn uống, Tư Hiền ao ước được thưởng thức võ nghệ của đảng Cánh Buồm Đen. Để đáp tạ, anh biễn diễn cho ai nấy xem một đường roi Lưu Thủy đã học được trên núi. Lúc biểu diễn, người ở ngoài tự do ném đá hoặc phóng dao vào thử. Ngọn roi xoay chung quanh mình anh như nước chảy không dứt, không rời, chớp nhoáng như gió...

Kết quả là Năm Bùn sẵn sàng giao đảng Cánh Buồm Đen cho Tư Hiền làm đảng trưởng. Nhờ vậy đảng được chỉnh đốn lại.

Hằng ngày, các bộ hạ phải luyện tập võ nghệ cho tinh thông, cấm tuyệt không xâm phạm tài sản của người chài lưới ở ven biển. Hai kẻ thù chánh cần đánh đổ không nương tay là đoàn tàu “đoan” của Tây và ghe buôn lậu Hải Nam.

Từ đó về sau, nhiều tin tức mới lạ được làm đầu đề bàn tán cho dân chúng miền duyên hải Rạch Giá, Cà Mau:

- Trời ơi! Hai thằng con trai của ông X. bị ghe Hải Nam bắt, tưởng biệt tích... Ai dè mấy ông Buồm Đen giựt lại được.

- Sáng hôm qua, có cái chưn vịt tàu của tụi “tàu cáo” để sẵn trên sân chợ. Tây hoảng hồn nhìn ra đó là chưn vịt của chiếc ca nô tuần biển đi mấy bữa rày chưa thấy về.

- Mấy ông Buồm Đen đốt ghe Hải Nam ở hòn Nhạn. Bên này chết ba, bên kia chết trọn tàu...

Ba năm sau, có tin đảng Cánh Buồm Đen đã rã.

Người đồn rằng: Chúa đảng vì quá giàu có nên trốn qua Xiêm. Không tán thành ý đó, kẻ khác quả quyết rằng chính mắt mình đã thấy xác chúa đảng trôi tấp vào bãi. Từ sáu tháng nay, đảng Cánh Buồm Đen là đảng giả mạo.

Gia Đình của cô Kim Thoa khổ tâm hơn hết. Một đêm lạnh lẽo nọ, có tiếng gõ cửa. Tư Hiền bước vào, ôm ghì lấy người hôn thê:

- Anh phải về, không bao giờ anh làm nghề này nữa.

- Tây tập nã anh, phãi không?

- Số là anh vừa giết oan một người. Tụi ghe Hải Nam lên hòn để mua heo, chừng kéo neo chúng không chịu trả tiền; anh đánh chết năm đứa. Nhưng rủi thay gặp một đứa biết võ nghệ khá cao. Anh đánh roi xuống. Nó đứng trên bãi, đưa roi lên đỡ trúng. Ngặt anh xuống tay mạnh quá, nó lún xuống bùn, ngã lăn trào máu miệng. Lúc hấp hối, nó ngoắc anh lại mà nói: “Tôi không phải chủ ghẹ Tôi ở mướn mãn đời, giết tôi mà chi!”. Cảm động quá, anh cúi xuống xin lỗi nó, nó khoát tay anh ra, nói tiếp: “Tôi tha lỗi thì được. Còn vợ con tôi ở Hải Nam cũng đương làm mướn, Làm sao anh xin lỗi được... ”

Kim Thoa! Em nghe anh nói lại chưa? Đây là lần đầu tiên trong đời mà anh đau đớn nhứt. Anh giết oan người tạ Ngọn roi này, anh xuống tay mạnh quá, bị Ô uế rồi. Tội nghiệp, chết không nhắm mắt mà ngón tay hắn còn chỉ về phía biển khơi, nơi quê vợ con. Thấy phận người mà nhớ tới phận mình, anh vội về đây.

o0o

tháng hai năm 1946. Có tin: Tây trở lại chiếm gần tới Rạch Giá, chúng đã nhảy dù xuống biên giới Việt Miên gần núi Sam, Châu Đốc. Dân chúng sục sôi căm hờn tập trung lại ngọn Cái Bắc để bày mưu kế. Có đến trên ba mươi thanh niên tình nguyện đi bắt sống bọn Tây nhảy dù ở xa cách quê nhà hằng hai trăm cây số. Họ thiết lập một bàn thờ Tổ quốc giữa rừng, lấy củi tràm đốt thế cho trầm hương và mượn mặt bất để làm đỉnh đồng. Y phục của họ khác nhau, nhưng giống nhau ở chất vải màu luốc luốc, chứa chấp bao nhiêu rận. Giữa quang cảnh mộc mạc, thiêng liêng đó, người ta thấy một ông lão râu tóc bạc phơ chống cây gậy cao khỏi đầu bước ra.

Ai nấy thầm thì:

- Ông Năm Lập thợ câu của xóm mình!

ông lão nọ bỗng rưng rưng nước mắt:

- Không! tôi không phải Năm Lập. Tên thiệt của tôi là Sáu Bộ. Có mấy năm đó, tôi lấy danh hiệu Tư Hiền, cầm đầu đảng Cánh Buồm Đen.

- Trời! Chúa Đảng là đây sao?

- Nói thiệt với bà con, tôi mai danh ẩn tích. Hôm nay tôi phải ra mặt. Nếu ngồi ì ở nhà, không ai làm gì tôi, nhưng tôi cảm thấy nhục nhã như thiếu món nọ gì đối với trời đất, núi non. Nếu xét tôi có tội, anh em cứ giết tôi để tế cờ. Bằng không thì cho phép tôi truyền lại bí quyết nhiệm mầu của đường Lưu Thuỷ mà thầy tôi dạy hồi năm mươi năm trước. Đường quờn này ít ai biết lắm, lúc tôi diễn, bà con cứ ném cây, phóng dao vô mà không bao giờ trúng tôi.

ông đứng thẳng người, hai tay chắp cây roi lên bái tổ rất kính cẩn. Rồi thì vút một tiếng, ngọn roi xoay tròn che lấp thân ông như dải lụa, như nước từ trên thác tuôn xuống chấp chóa. Đến kẻ ngỗ nghịch nhứt cũng không dám ném cây vào để thí nghiệm như ông cho phép.

Lại một cuộc bàn tán náo nhiệt, vô trật tự:

- Học được đường quờn của ổng, chắc Tây về nước rồi. Thời giờ cấp bách lắm!

- Đi bắt “Tây nhảy dù” chỉ cần thanh niên lanh lẹn. Ông đi không được đâu. Để tụi tôi đốn tầm vông vạt nhọn, lẹ hơn...

Giọng ông lão nói ngậm ngùi:

- Không lẽ tôi tự vận. Bà con thương tôi. Nó là cây roi có chức vị “chặt đầu Tây” của tổ sư tôi truyền lại ở núi Dài, năm đó.

- Thôi, lộn xộn quá. Ông cho tôi cây roi này để làm cán mác thì hợp thời hơn, chặt vắn lại vài tấc, đầu kia tra lưỡi mác thông. Có chất sắt thêm vô, ngọn roi của ông mới xài được. Tôi biết là hư cây roi, uổng lắm nhưng ông chịu phiền.

- Ừ. Làm gì thì làm, miễn dùng nó được thì thôi. Thiếu củi nấu cơm, chặt khúc nó mà chụm, lão đây cũng không tiếc. Mấy cháu biết không? Đây là thời kỳ mạt pháp.

Đoàn quân ra đi gấp. Làm sao họ có thời giờ để hỏi han ông về một đôi danh từ xa lạ đó? Họ tản ra bốn hướng trời, ít người được trở về xóm cũ. Sau đó vài tháng, giặc vào đốt xém. Ông lão nọ chết vì không chịu tản cư, lưu lại một tình cảm lạ lùng, khó dứt khoát đối với những ai chưa hiểu rõ hoàn cảnh đặc biệt của phần đất Cà Mau tận cùng này.
Đóng gông Ông Thầy Quít






Ở đâu động dao, động thớt là có ông thầy Quít tới. rượu uống ngà ngà, ông vỗ ngực, xăn tay áo mà nói trong buổi tiệc:

- Bà con ở đây không ai biết phát cỏ cho ra hồn, tôi chắc như vậy.

Có người bực tức, hỏi:

- Ra hồn nghĩa là sao? Anh em tụi tôi đây cứ phát đều đều mỗi ngày một công. Sao Mai mọc, đâm mây ngang là ra ruộng. Mặt trời lên hai sào, tụi tôi vô nhà xong việc nằm nghỉ.

Thầy Quít nhướng mắt:

- Tôi phát ba công trong khoảng thời gian đó. Phát lẹ bằng ba lần. Đó là buổi tôi làm biếng. Nếu siêng thì mỗi ngày tôi phát sáu công liên tiếp, không cần ăn cơm trưa.

- Thiệt hay chơi đó? – Có người hỏi.

ông đáp:

- Nói dóc làm gì? Tôi còn ở xóm này chơi vài tháng nữa mà. Anh em hồ nghi, tội nghiệp tôi. Không lẽ già rồi mà tôi còn mang tật nói dóc, để tiếng xấu cho đời sau.

- Chúng tôi nào dám. Chỉ e đó là chuyện hồi ông còn trẻ. Bây giờ sức ông yếu nhiều rồi.

Thầy Quít dĩu giọng:

- Hồi trai trẻ, trái lại tôi phát cỏ chậm hơn lúc về già như bây giờ. Hồi đó là tay ngang, bây giờ tôi là kẻ đắc đạo. Phát cỏ là một thứ đạo ích lợi cho sanh linh, nòi giống. Đạo là phép mầu nhiệm. Chẳng hay bà con mình muốn học không?

Ai nấy trố mắt nhìn nhau. Hồi nào tới giờ nghe nói đạo Phật, đạo Lão, Khổng, Mạnh... chớ nào ai nghe “Đạo phát cỏ”. Bấy lâu, xóm này và các xóm kế cận đều phát cỏ theo cách của ông bà truyền lại. Nghĩa là chém cho cây phãng chạy dài dưới nước; phãng chạy tới đâu, cỏ đứt tới đó. Cùng lúc ấy, tay trái quờ cù nèo, gạt mớ cỏ bị hạ qua một bên cho trống trải mặt nước. Rồi thì bước tới, dở ngọn phãng lên, chém xuống pháp phãng thứ hai... Cứ như vậy đến lúc không còn cụm cỏ nào trong công đất... Nghĩ cũng nặng nhọc, phí sức; đàn bà ít ai phát cỏ nổi. Mặc dầu phát rồi, về trước giờ ngọ nhưng ai nấy mệt nhoài, mình mẩy rêm nhức, có người uống rượu thuốc để lấy sức ngày mai... Hôm nay nghe thầy Quít bàn đến Đạo phát cỏ, xem phát cỏ như một phép mầu nhiệm, ai lại không mừng? Họ mừng nhưng còn nghi ngờ, e nãy giờ thầy Quít nói quá lời, vì quá chén.

Nhưng càng uống rượu, thầy Quít càng tỉnh táo. Thầy nói:

- Ai muốn thọ giáo? Tôi sẵn sàng làm công việc ích lợi đó giúp bà con. Tôi nào thọ tiền bạc nhiều. Chỉ cần một con gà giò để cúng tổ. Vậy thôi!

Một con gà đáng giá là bao, nhà nào mà không nuôi sẵn! Ai nấy mừng rỡ, thấy trước mặt một viễn ảnh vô cùng tốt đẹp: Bao nhiêu đất hoang của rạch Thuồng Luồng sẽ biến thành biển lúa vàng trong ngày rất gần. Mỗi mùa, thay vì dành ba chục ngày mà phát cỏ, giờ đây nhờ phép màu của thầy Quít, họ chỉ cần ra sức bốn năm ngày là xong chuyện. Mấy mươi ngày còn lại, họ tha hồ đờn ca vọng cổ, hoặc đá cá lia thia. Ai siêng thì cứ phát thêm, phát mau lẹ hàng trăm công. Chị em phụ nữ tha hồ mà cấy, mà hò hát huê tình, đối đáp. Chốn thần tiên âu cũng như chốn này!

Nhìn vẻ mặt vui tươi của mọi người, thầy Quít cũng vui lây. Vốn từng ngao du, giao thiệp nhiều nơi, thầy tỏ ra khá rành về tâm lý để thâu phục nhân tâm.

- Ngày mai này, tôi đích thân ra ruộng phát cỏ cho anh em coi thử. Anh em cứ chọn người nào phát giỏi nhứt ở đây để thi tài với tôi. Tôi chấp họ phát trước tôi nửa công; tôi phát sau nhưng nhất định rồi trước.

o0o

Thầy Quít làm đúng điều đã nói. Xóm riềng không ngớt tán tụng:

- Giỏi quá. Hôm qua, ổng phát một công đất không đầy một giờ đồng hồ.

- Rõ ràng thầy Quít có phép mầu “Chém hai dao tầm rưỡi có dư” như lời tục thường nói. Thầy hạ ngọn phãng xuống một cái, tức thì một vùng đất trên hai thước rưỡi bề dài phải sạch sành sanh, cỏ ngả liệt.

Xóm Thuồng Luồng vốn hâm mộ nhân tài. Họ mời thầy Quít về nhà ngủ trên vàn gõ, trải chiếu bông đàng hoàng. Nội một buổi chiều, hơn một chục người đến kính cẩn xin thọ giáo.

Thầy nói:

- Tôi có tội lớn với tổ, tôi phụ lòng anh em nhiều quá. Số là xưa kia, thầy tôi lúc lâm chung trối lại: con đừng lấy việc truyền nghề mà làm sanh kế. Như vậy lần hồi con trở thành lười biếng khác chi lũ người xôi thịt. Con thương thầy thì ra sức phát cỏ mướn như mọi người. Ngồi không... sanh bất thiện.

Người nghe bèn thở dài:

- Như vậy làm sao chúng tôi học được? Anh em muốn ông nán lại chơi vài tháng. Khoảng thời gian đó, tiền bạc đâu để ông hút thuốc ăn trầu? Làm thế nào giúp ông được bây giờ?

Sau giây phút trầm ngâm, thầy Quít đáp:

- Nhờ anh em cho tôi lãnh trước chút ít tiền mai mốt tôi phát cỏ trừ lại. Như vậy tôi ở đây mãn mùa, sớm chiều ra ruộng làm lụng với anh em cho vui; luôn tiện giúp anh em vài bí mật trong... Đạo. Còn việc truyền phép, tôi hứa chọn một đệ tử trong đám thanh niên trai tráng trong xóm này. Cần nhất là cậu trai đó phải thành tâm, trì chí để chịu đựng một cuộc thử thách lâu dài. Thánh nhơn gọi như vậy là “tử công phu”, thứ công phu khó nhọc khiến cho con người bạc tóc, nhăn trán...

Bà con cho thầy Quít lãnh trước tiền phát cỏ. Người này nhờ thầy phát dùm bốn công, người kia ba công, người nọ năm công... Nhờ vậy, thầy thủ được món tiền ăn xài dư dả.

Thằng Liệu lấy làm hân hạnh được thầy chọn làm đệ tử. Nó thức suốt đêm, mừng không ngũ được. Hôm sau thầy Quít gọi nó ra ngoài trại ruộng giữa đồng, ở chung với thầy. Đoán trước nỗi ngạc nhiên của nó, thầy nói:

- Mình phải xa lánh mới được. Ở chốn đông người. Đạo bị hoen ố vì lắm kẻ tò mò.

Cứ buổi sáng, thằng Liệu nấy nước pha trà. Trưa lại, nấu cơm mua rượu về cho thầy. Nó làm tất cả công việc đó với tầm lòng thành kính, còn hơn đối với cha ruốt. Suốt ngày ngoài việc ăn uống, thầy Quít nằm lim dim đôi mắt, nửa thức, nửa ngủ... Ban đêm, thầy bảo nó đốt nhang cắm bốn phía trại. Thỉnh thoảng, thầy trở vào xóm. Ấy là lúc ai cũng mừng rỡ xúm nhau đặt thêm tiền để thầy phát cỏ chọ Về trại ruộng, thầy mang theo nào gà, nào rượu và một túi tiền khá đầy.

Trong xóm, vài người tò mò. Ban đêm, họ lội bì bõm ra trại nhưng không dám lại gần, e thầy biết mà có tội. Họ thấy... bốn ngọn đèn cây xanh lè. Trong bóng tối, ghê rợn làm sao! Thấp thoáng, bóng dáng thầy Quít và thằng Liệu đi qua đi lại, co chân co tay, quơ tới quơ lui, nhảy nhót bên tả bên hữu. Dường như cả hai đều ở trần. Gió thổi từng cơn hù hù qua đòng cỏ. Lưng thằng Liệu ướt loang loáng, phải chăng vì quá tập dượt mà tháo mồ hôi? Lâu lâu thầy Quít ngồi xuống. Người đi xem ngoài này lắm khi thấy lạnh xương sống vì mấy ngọn đèn xanh lè bên trong kia vụt tắt hết... Rồi chày lên hai ngọn, ba ngọn, bốn ngọn... Rồi tắt bớt một ngọn. Đột nhiên, cánh liếp che kín lại. Bên trong nổi lên tiếng sắt đá chạm nhau rổn rảng, khi thưa khi nhặt, rít lên trầm xuống. Như tiếng thợ rèn đập sắt, như tiếng mài dao của anh đồ tể sửa soạn thọc huyết heo.

Đèn trong trại ruộng lần lần tắt hết. Ngoài này, họ lủi thủi bước về, chân không dám lội mạnh, e thầy Quít nghe được. Họ rủ nhau đi rình như vậy một ngày, hai ngày, ba ngày... riết rồi sanh chán, nhứt là khi mưa dầm, đường về trơn như thoa mỡ, gió lạnh buốt xương.

Cỡ này, rằm tháng sáu rồi! Lệ thường, mọi năm khi thầy Quít chưa đến truyền phép... phát cỏ mầu nhiệm, họ đã dọn cỏ xong xuôi, có đâu như năm nay khắp đó đây cỏ dại còn tha hồ vươn lên đầy bịt khỏi đầu người, phải dùng tay mà rẻ để tìm lối đi vất vả.

- Chừng nào mới dọn đất để cấy?

Mổi người đều tự hỏi như thế và mỗi người đều tự trả lời:

- Phải nhờ thầy Quít. Thầy ra tay một vài buổi là xong. Mình đã đặt cọc tiền cho thầy rồi mà.

Nhưng họ cảm thầy không được yên tâm! Thầy Quít đâu phải lãnh tiền trước của một đôi người. Khắp xóm Thuồng Luồng, lai rai đâu cũng có thân chủ của thầy. Từ Bây giờ đến cuối thánh, hơn mười ngày nữa, liệu thầy có phát xong... trên trăm công đất! Họ ra tận trại ruộng, xin yết kiến thầy để tỏ bày nỗi thắc mắc đó. Thầy vươn vai, đáp một cách tỉnh táo:

- Ối! Bà con hơi đâu mà lo xa! Bà con nhắc nhở tôi như vậy thật là chí lý. Ngặt hổm nay tôi cầu tổ chưa được. Một khi tổ về nhập vào xát tôi, bà con phải biết; tôi phát cỏ như người lên đồng, lên bóng, phát tối ngày không mõi. Hai ba đêm rồi, tôi “đi thiếp” xin tổ về gấp. Tổ chưa về, chỉ có vậy thôi.

o0o

Chủ tọa tối cao là thầy phó hương quản. Nhà ông hương ấp bỗng nhiên trỡ thành nơi nhóm họp, xử một vụ án quan trọng.

Tiên cáo là hầu hết dân chúng rạch Thuồng Luồng.

Chánh phạm là thầy Quít. Nhưng khiếm diện, vì đã bôn tẩu trong đêm rồi.

Thằng Liệu -- đồ đệ của thầy - bị khép vào tội đồng lõa. Nó quỳ xuống lạy, khóc sướt mướt, kêu oan. Nhờ sự can thiệp của mấy ông kỳ lão nên nó khỏi bị tát tai, đấm đá. Chập sau, thầy phó hương quản mở trói cho nó. Nó khai đại khái như sau:

- Ổng cuốn gói hồi nào, tôi không haỵ Chừng sáng ra thức dậy mới biết.

Thầy phó hương quản cười:

- Phải hay trước thì mày đã cuốn gói theo ổng luôn rồi. Ổng có chia tiền cho mày xài không?

- Dạ không. Mấy lần mua gà vịt về, ổng với tui ăn chung, nhưng mà gan, mề, đùi, ổng hưởng hết... Còn bụng gà, xương cẳng... về phần tui.

- Ổng dạy mày phép gì?

- Dạ ban đầu thì cắt cổ gà để cúng tổ. Ổng nói: “Coi máu gà phun ra kìa! Mai chiều, nếu mày đem sự bí mật trong nghề mà nói lại với người khác thì ngọn phăng ăn vô chưn mày, máu phun ra như vậy đó”. Năm ba bữa sau, ổng lấy thước tây đo dưới đất, vuông vức mỗi cạnh là một thước. Bốn góc hình vuông đó, ổng thắp bốn ngọn đèn cầy. Ban đêm, đốt đèn lên, ổng đưa cho tôi một cây sậy dài chừng chín tấc mà nói: mày cầm cây sậy mà quơ mạnh, như cầm phãng pháp cỏ. Phải làm sao khi quơ một cái thì hơi gió khiến bốn cây đền cầy tắt một lượt.

Thằng Liệu nói tiếp:

- Thẩy nói mỗi công ruộng là một ngàn thước vuông, mình tập phát mỗi lát dao chém trọn một thước vuông. Vài bữa sau, thẩy khen tôi rồi dạy mấy câu thiệu sau đây: Tấn bộ chữ đinh. Tay vươn cánh ó, Chưn trái đá gió. Linh kiếm hạ liền... Còn dài lắm, phần sau chưa dạy là thẩy trốn.

Thầy phó hương quản vỗ bàn:

- Cây phăng mà kêu bằng linh kiếm. Thằnh này gan thiệt. Nó muốn làm giặc sao chớ? Ngòai chuyện phát cỏ nó còn nói chuyện gì khác không? Mày khai gian tao đóng gông bây giờ. Đủ bằng chứng rồi! Bắt được ổng tao cũng đóng gông luôn.

Thằng Liệu ấp úng:

- Cách đây vài ngày, thẩy khoe với tôi rằng “Sư tổ” hồi xưa phát cỏ giỏi lắm, truyền tới thẩy đây là bốn đời. Đạo lần lần bị Ố. Thẩy phát chơi một buổi chớ không bao giờ phát ngày này qua ngày kia, niều và lẹ như vậy được. Sự tích hồi xưa, người Mông Cổ xâm chiếm nước Tàu...

- Lập nhà Nguyên, Phải! Thầy Quít nói gì mà người Mông Cổ? Lạ quá!

- Thẩy nói người Mông Cổ hồi còn nghèo, lang thang trên yên ngựa thì siêng năng, mạnh khỏe. Đến chừng chiếm được cung điện nước Tàu, họ ăn no ngồi một chỗ, mặc áo gấm. Việc cầm cung lên ngựa, họ xao lạng nên trở thành bạc nhược, gân cốt không còn dẻo dai. Tới sau, họ bị Châu Hồng Võ đánh bại. Phép phát cỏ như vậy đó. Khi xưa người dân phá rừng mở nước, họ làm lụng suốt ngày quên ăn cơm, cử nổi cây phăng nặng một yến. Bây giờ chỉ phát một buổi, cây phăng sụt xuống còn có năm cân mà lắm người than mệt?! Người dạy đạo phát cỏ thì lo tiền bạc rượu thịt. Nghề làm ruộng lần lần bị cạnh tranh; nhiều người nông phu tay cầm phãng nhưng trong bụng nghĩ tới việc ra chốn thiềng thị, tìm phương kế khác làm ăn có lợi hơn.

Thằng Liệu nhìn mỗi người, thở dài rồi nói tiếp:

- Tối hôm qua thầy Quít nhắc chuyện Mông Cổ đó thêm một lần nữa rồi thẩy khóc thút thít với tôi: “Liệu à, mày đừng bắt chước tao! Tao là đứa làm biếng sau chót hết, mày phải ráng sức giữ lấy nghề nông”.

Phiên nhóm trở nên yên lặng. Phải chăng là cơn oán hận đối với thầy Quít đã lần lần dịu xuống? Ai nấy nhìn nhau, hút thuốc rồi cười lạt đành tha thứ rút lui về nhà.

Nhưng ngày qua tháng lại! Những năm sau – năm 1930, lúa sụt giá còn một cắc một gia. - người nông phu phải trì chí lắm mới cầm nổi cây phăng mà ra ruộng phát cỏ. Họ đâm ra thương nhớ bao nhiêu lời nói và tội lỗi của thầy Quít, hồi năm trước. Thương nhớ thương nhớ một cách lạ lùng!
Đồng thanh tương ứng





Xóm Tà Lốc nằm trơ vơ gần khu rừng tràm, trên khoảng đất hoang dài gần năm chục cây số ngàn, giữa chợ Rạch Giá và Hà Tiên, theo vịnh Xiêm La.

Thời Pháp thuộc, dân chúng xóm ấy sống biệt lập: bắt cá, đốn củi đủ ăn ngày nào hay ngày ấy. Nếu cần mua sắm vài vật dụng cần thiết, họ ngồi tại nhà mà chờ đợi một chú Huê kiều. Chú ta quảy gánh gióng, bán nào kim chỉ, lưỡi búa, đường thẻ, thuốc rê. Đặc biệt nhứt là loại kéo tàu, rèn tại chợ Rạch Giá. Ai không tin thì cứ mua thử một cây kéo đó, để dành trong rổ maỵ Kéo sống dai hơn kiếp người, và từ thưở cô gái mới về nhà chồng, cho tới khi có con có cháu, chết vô hòm mà kéo vẫn chưa lụt - nếu cây kéo đó không bị đánh mất.

Cách vài ngày, chú Huê kiều đi qua xóm một lần. Tuy chú ta bán hàng với giá đập đổ, dân trong xóm Tà Lốc chẳng ai than phiền. Thưở ấy, đường giao thông dường như không có. Chú ta đi bộ suốt hai mươi cây số, qua vùng đất phèn đầy muỗi mòng rắn rít và đầy kẻ lương thiện - những kẻ lương thiện nhưng nổi máu bất lương từng chập. Lắm khi, chú Huê kiều bị gãy gánh giữa đường thương mãi: hàng hóa và tài sản bị tịch thâu, thân xác chú ta còn chịu thêm trận đòn nhừ tử, kêu trời thì không thấu, kêu làng lính ở tận đâu đâu. Thà là nhịn nhục để ngày mai tiếp tục hành nghề. Dân trong xóm lần hồi thương mến chú Huê kiều. Khi đi qua xóm, chú ta rao hàng nghe lơ lớ, não ruột:

- Kéo tàu! Ké... éo tàu!

Trẻ con bu lại, cười giỡn. Chú Huê sẵn sàng cho mỗi đứa một cục kẹo nhỏ rồi rảo bước, để lại giọng rao:

- Kéo tàu! Ké... éo tàu!

Nhưng ánh sáng văn minh lần lần soi rọi bên hè xóm Tà Lốc. Vào những năm kinh tế khủng hoảng, chính phủ thuộc địa đã cố gắng biểu dương uy thế bằng cách cho xáng múc, đào con kinh thẳng tắp dọc theo duyên hải vịnh Xiêm La, nối liền chợ Rạch Giá lên chợ Hà Tiên, phía bắc. Lần hồi, khi đào xong xuôi, lịnh của quan chánh tham biện chủ tỉnh truyền ra, quan chủ quận liền chạy tờ về làng, làng chạy trát xuống ấp Tà Lốc.

Đại ý như sau:

Trát cho hương ấp Tà Lốc tuân cứ: Tới ngày... tháng... năm... nhà nước làm lễ ăn khánh thành con kinh quản hạt Rạch Giá - Hà Tiên. Quan Toàn Quyền Đông Pháp đích thân đi trên tàu, theo con kinh này. lần đầu tiên, con dân ấp Tà Lộc được đón rước trọng thể quan Toàn Quyền Đông Pháp đại thần. Vậy đúng hừng đông nói trên, dân đinh trong ấp phải tề tựu ngay bờ kinh xáng, tại chợ, gần chỗ bàn hương án của hương chức hội tề đặt ra. Hương ấp phải truyền rao cho dân trong xóm được rõ rồi phúc bẩm cho làng biết. Nếu bất tuân sẽ bị khiển trách.

Nhận được trát nọ, hương ấp Thum đi tới lui thăm viếng từng nhà để vừa uống rượu, vừa làm công tác. Chú ta mở đầu câu chuyện:

- Ngày mốt, mình nên đón rước quan Toàn Quyền đại thần. Bà con thấy làm sao...

Ai nấy nhao nhao phản đối, trình ra nhiều bằng cớ xác đáng:

- Tụi tôi quần áo lem luốc, tay lấm chơn bùn. Vả lại, chưa đóng giấy thuế thân. Rủi có bề gì thì... phải làm sao...

Hương ấp Thum cười khì:

- Hỏi thử cho biết vậy thôi. Một mình tôi thay mặt tất cả bà con, đủ rồi. Nói chí tình, nếu bà con kéo nhau ra bờ kinh xáng, đứng khoanh tay gần bàn hương án để đón rước thì chắc thiên hạ cũng đuổi bà con trở về xóm, trước khi quan đại thần đến.

Nhưng dường như bà con trong xóm Tà Lốc hơi buồn phiền điều gì mơ hồ:

- Tụi tôi chưa được thấy mặt "tây u" và tàu bè tối tân của nước Pháp. Ai cũng muốn đi cho vui ngặt còn món nợ... quần áo và thuế thân. Chẳng hay quan Toàn Quyền đại thần có ghé lại xóm mình để uống nước trà... lấy thảo hay không...

Hương ấp Thum đáp:

- Ghé làm gì...

- Bộ thầy rảnh lắm sao... Mục đích của ông là tới chợ Hà Tiên cho mau. Nếu mỗi xóm mỗi ghé thì chừng nào mới tới nơi tới chốn...

Thế là đêm đó xong xuôi, ai về nhà nấy. Dân chúng nói một câu thòng:

- Thầy hương ấp cứ vui đi. Tụi tôi leo lên nóc nhà, hoặc trèo lên ngọn cây để coi tàu của Tây chơi, cho biết...

Hương ấp Thum quày quả trở lại:

- Tôi không dám bảo đảm à. Đừng thậm thò thậm thụt như vậy. Ở dưới tàu, có ống dòm. Họ thấy xa lắm.

Một người trả lời:

- Thầy đừng lọ Từ đây ra tới kinh xáng, xa hơn hai chục công đất. Vả lại, tụi tôi núp sát mái nhà, hoặc đeo dính trên ngọn cây. Ở dưới tàu dòm lên quan Toàn Quyền đại thần cho rằng tụi tôi là rùa bò trên mồ mả, hay là con dơi, con quạ đeo nhánh cây.

Đến nhà việc làng Sóc Sơn, hương ấp Thum nhờ chú biện thảo tờ phúc bẩm. Đại ý, hương ấp cho rằng dân xóm Tà Lộc bận việc đốn cây, mò cua... v.. v.. Hương chức làng chẳng mảy may phiền hà.

Trong thâm tâm, họ chẳng bao giờ muốn cho dân trong xóm Tà Lốc đi nghinh đón quan trên. Đó là hạng người không kỷ luật trật tự gì ráo. Dân chúng xóm chợ gần công sở cũng khá đông rồi. Thêm vào đó, mỗi tiệm phố đều sẽ treo cờ tam sắc.

Ai cần gì mời số người ở xóm Tà Lốc, không mợ chợ cũng đông. Trời vừa rực sáng.

*****************************

Dân chúng xóm Tà Lốc đã kêu réo nhau inh ỏi:

- Thức dậy, anh em ơi!

- Tàu chưa tới mà. Thức thì thức.

- Tụi mình là "phó thường dân" xứ Nam kỳ, lâu lâu chào mừng quan trên: Chắc còn lâu lắm. Chừng này mặt trời mới ló dạng. Chắc quan Toàn Quyền đại thần đang ăn uống tại chợ Rạch Giá. Cỡ bốn giờ, mới tới.

Một ông lão khôi hài:

- Thiệt là dị hợm, kinh xáng đào rồi thì... là rồi. Còn bày đặt ăn khánh thành giống như nhà vua làm lễ hạ điền. Làm như không có ông Toàn Quyền đi thử thì nước không chảy.

Có người hô to:

- Phía chợ vui quá hé...

- Nóc nhà của tôi mới lợp, cột kèo bằng cây danh mộc... lậu thuế. Ai muốn dưỡng già thì trèo qua nóc nhà tôi cho vui.

- Bậy nè! Lớn đầu mà còn dại. Ngồi trên nóc nhà, rồi hút thuốc, nguy hiểm lắm. Tại sao mình không ngồi trên cháng ba của cây xoài, cao hơn nóc nhà!

Chờ lâu quá nhiều người đâm ra nản chí. Họ tuột xuống đất, vô nhà uống nước cho thấm giọng rồi lại trèo lên. Đám trẻ càng xông xáo hơn. Chúng nó ở truồng, lén ra ruộng, cỡi trâu, đánh thẳng tay cho trâu sãi tới sãi lui. Rồi mòn mỏi, chúng nó nằm ngửa, phơi nắng trên lưng trâu để chờ đợi, sát kinh xáng trở về xóm.

Chuyện gì đến là đến! Vào khoảng tám giờ rưỡi sáng, đoàn tàu ăn lễ từ từ tiến tới. Dân xóm Tà Lốc hò reo, chỉ trỏ. Họ hối tiếc vì đã ngồi nhà. Tàu quá nhiều, chạy giăng hàng dài treo bông treo tụi đủ màu sắc. Đếm kỹ thì thấy hơn mười cái ống khói đen ngòm, tức là mười chiếc tàu.

Pháo đại, pháo tre, pháo trống... nổ vang rền tại chợ. Nổ suốt năm mười phút mà chưa dứt... Sau một hồi lẹt đẹt thì pháo lại rộ lên như con thú sắp đứt hơi cố gắng rống lên những tiếng cuối cùng vừa to, vừa dài...

Một người nghĩ ra sáng kiến:

- Mấy đứa chăn trâu ơi! Tụi bay thử cỡi trâu, cho trâu sãi thật lẹ, coi họ làm gì ở ngoài chợ.

Vài đứa trẻ le lưỡi:

- Ngán lắm. Họ bắt tụi tôi không...

- Tụi bây là... con chó gì mà bắt. Thứ con nít ở truồng mà tưởng mình như người lớn.

Bọn trẻ bàn bạc:

- Mấy ông Tây ưa bận quần áo trắng, đội nón trắng. Tụi mình sợ trâu nó ghét màu trắng. Nhè trâu chém ông Chánh soái thì nguy.

Một người lớn quát to:

- Nói tầm phào hoài. Làm như tụi bây quan trọng lắm. Chưa ra tới đó là thiên hạ đuổi tụi bây rồi. Cứ ở gần lấp ló, coi lén vậy mà. Hơn nữa, chưa chắc ông Toàn Quyền Chánh Soái chịu lên bờ uống rượu đế với ông đại hương cả. Tàu chạy qua rồi chạy luôn... Không lẽ tàu chạy ngã khác.

Thế là bọn trẻ mục đồng được yên tâm: "Tụi tôi ham lắm". Mấy người lớn nhìn theo, căn dặn:

- Về cho gấp, nói đầu đuôi cuộc lễ cho mấy thằng già này nghe chơi.

Hơn năm bảy con trâu xóm Tà Lốc sãi nhanh ra công sở, mang trên lưng những sứ giả bé bỏng.

Đột nhiên, tiếng "súp lê" nổi lên inh ỏi:

- Tu... tu... Tu!... uuu...

Dân xóm Tà Lốc khoái chí, vỗ tay:

- Đó là quan Toàn Quyền Chánh Soái chào mừng bà con xóm Tà Lốc... Hay quá! Trời ơi! Khói lên từng cuộn đen thui... Coi mê quá.

Tiếng tu tu... cứ vọng rền.

Một anh chàng có vẻ thông thạo:

- Luật quốc tế mà! Họ chào mình theo luật quốc tế là cứ súp lê hoài...

Chiếc tàu dẫn đầu ngừng lại. Mấy chiếc sau cũng ngừng, dường như chẳng dám qua mặt.

- - Đúng rồi! Tàu của quan Toàn Quyền Chánh Soái. Ổng ghé lại chợ...

Một ông lão thở dài:

- Các cha ơi. Quan Chánh Soái chào mấy ông hương chức hội tề chớ nào chú ý tới bọn mình. Đừng hí hởn mà buông tay, té gãy giò nghe các chạ Con nít quá vậy.

Nhưng bọn người háo thắng vẫn bàn bạc. Họ nghĩ mơ màng đến mấy ông hương chức hội tề. Nào ông cả Bon, ông chủ Xìa, ông Xã Mực, ông thầy giáo Kiết, ông ban trưởng Huê kiều - Ông ban Xinh. Tất cả đang cúi đầu, lưng hơi khom, hột tay đưa ra để đón bàn tay ông Tây. Còn tay kia thì sờ lên ngực, ngay quả tim già, như để tỏ tình... Pháp - Việt đề huề!

Vài phút sau, tàu "súp lê" vang dội như để tạm biệt. Từng chiếc một từ từ di chuyển. Mặt kinh xáng lấp lánh... Mỗi chiếc tàu là một ống khói đen, phun làn khói mỗi lúc một mỏng mịn. Khói vương vít, bay chập chờn trên nền mây trắng, che khuất từng chập vài bóng diều quạ.

Bỗng nhiên một người quát to:

- Thấy mẹ rồi! Còn một chiếc Ở lại. Neo luôn tại chợ. Hay mấy ổng dòm thấy tụi mình trong này làm điều vô lễ! Vô lý quá. Kìa...

Từ phía chợ, bầy trâu phóng nước sãi, trở về xóm Tà Lốc... Ai nấy phập phồng chờ đợi. Tin mừng hay tin buồn! Chẳng lẽ quan Toàn Quyền nghe ngóng được tiếng nói xa xôi của bọn người vô danh núp trên nóc nhà, trên ngọn cây, như rùa bò, như quạ đậu. Lạ thật. Trên con trâu dẫn đầu, có tới hai người. Một thằng bé và một người lớn.

Kìa! Trâu đã tới. Người lớn ấy ngồi vênh váo, như quen như lạ, chưa ai nhìn được hắn là ai!

Đúng rồi! Hương ấp Thum. Thầy ta trở về xóm để làm gì mà hấp tấp như vậy. Giống như mấy ông tướng Tây cỡi ngựa phi báo, cấp báo!

Mồ hôi tuôn ra nhễ nhãi đầy mặt hương ấp. Vừa nhảy xuống lưng trâu, thầy ta la lớn:

- Đánh mõ lên cho dân chúng tụ họp. Chuyện sanh tử lắm. Đợi cho đủ mặt, tôi mới nói, đâu phải chuyện giỡn. Tài sản của nhà nước!

Ai nấy đều ngơ ngác, tuột xuống đất, ngồi chồm hổm, sắp hàng hai để chờ lệnh. Gương mặt hương ấp Thum trông vừa đáng ghét vừa tội nghiệp. Bỗng dưng mà thầy ta lên giọng đàn anh.

Có người hỏi:

- Có gì vậy......

Hương ấp Thum im lặng, thở hổn hển. Một ông kỳ lão với giọng đàn anh kẻ cả:

- Cái gì vậy mầy Thum...

- - Dạ... Dân xóm Tà Lốc chưa làm phận sự.

Ông kỳ lão quát:

- Phận sự gì... Hay là ông Chánh Soái giận tụi tao, chỉ tụi tao vô lễ, ngồi trên ngọn cây...

Hương ấp Thum nói:

- Dạ, dân xóm Tà Lốc phải ra sức... kéo tàu.

- Tàu gì mà kéo... Ai nấy giương mắt tròn xoe.

- Để người ta nói hết cho mà nghe. Số là đoàn tàu của quan Toàn Quyền đại thần bị trục trặc. Một chiếc bị tắt máy dọc đường, nhờ chiếc khác quăng đổi giòng tới đây rồi bỏ lại. Chẳng lẽ họ dòng chiếc tàu bịnh hoạn đó lên tới Hà Tiên thì mất thể diện cho "máy móc" của quan lớn quá, thiên hạ sẽ dòm hành chê bai. Bởi vậy, chiếc tàu họan nạn đó nằm tại chợ. Thầy hương quản giao cho tôi nhiệm vụ kéo chiếc tàu đó...

- Ủa! Sao lại dân xóm Tà Lốc!

Hương ấp Thum đáp:

- Dân xóm chợ đã góp tiền, đốt pháo và đóng thuế đầy đủ. Mấy chục năm nay dân xóm Tà Lốc chưa làm gí ích lợi cho nhà nước. Vậy thì...

- Kéo lên bờ hay kéo đi đâu... Chiếc tàu đó bao lớn...

- Dạ... Kéo về chợ Rạch Giá. Bà con nghĩ. Sức một mình tôi làm sao kéo nổi chiếc tàu sắt về chợ Rạch Giá, xa hơn mười lăm cây số.

- Bậy nè! Ai hơi đâu mà làm chuyện bá láp. Tại sao mình không kéo chiếc tàu đó vô bờ mời mấy ông bác vật tới sửa máy. Hoặc chuyến về, mấy ổng dòng tàu về...

- Dạ, nghe đâu quan Toàn Quyền đại thần đi tuốt lên Nam Vang, về theo nẻo khác. Bà con nghĩ dùm.

Ai nấy suy nghĩ: Kéo thì cứ kéo, ngại gì! Nhưng còn cái tội trốn thuế thân, từ nhiều năm. Nhiều tay tiều đốn củi quá lâu, nhiều chàng thanh niên một vợ ba con... chưa được hân hạnh ghi tên vô bộ sổ của nhà làng.

- Dễ quá. Tôi bảo lãnh dùm! - Hương ấp Thum nói.

*****************************

Thế là bọn trai tráng sắp hàng, ra bờ kinh xáng để kéo tàu, trước là xem tàu của quan trên cho biết nó nặng nề đến mức nào, sau là để làm phận sự con dân thuộc địa.

Chiếc tàu quá nặng. Mấy sợi dây đỏi sắt cũng không nhẹ. Nước chảy ngược. Gió thổi ngược.

Hơn năm chục người nai lưng "hố bụi", đưa chiếc tàu liệt máy nọ về chợ Rạch Giá. Mệt và đói quá chừng. Kéo tàu sắt khác hẳn chèo ghẹ Làm sao thảnh thơi mà ca vọng cổ. Đến canh một, canh hai đêm ấy, chiếc tàu mới xê dịch được hai phần ba lộ trình. Cũng may, hương chức hội tề đã chú ý... ban cho dân ấp Tà Lốc năm đồng bạc để mua bánh tét, bánh lá dừa. Ăn tạm nọ Nhưng làm sao tìm nước uống... Nước dưới kinh xáng mặn đắng, chua chát quá chừng. Hễ ghé vô là chủ nhà hoảng sợ. Năm chục người uống hết nửa lu nước!

Nhứt là chuyến đi bộ trở về.

Dưới ánh trăng thanh, họ ca hát lai rai. Ai đủ sức thì cứ đi cho nhanh, về nhà cho vợ con mừng. Ai yếu đuối thì ngủ bờ ngủ bụi. Vài người mang bịnh cảm mạo, bắt gió vần công. Khổ thay! Mười lăm cây số bận về là cả một điều khổ nhục. Muỗi cắn quá chừng. Hồi ra đi, họ quên mang theo cái nóp.

Rốt cuộc, chẳng ai ngủ mê hoặc chết dọc đường. Suốt đêm, họ đi lang thang nhắm hướng Tà Lốc. Chốn quê hương đẹp hơn cả! Đúng vậy. Vài người chửi rủa hương ấp Thum, cho rằng thầy ta muốn lập công đầu với nhà nước Pháp. Khi tàu tới chợ Rạch Giá, hương ấp Thum cút mất, vô quán ăn hủ tíêu một mình. Và lúc kéo tàu, thầy ta ngồi trên tàu, hò hét, ngồi bên cạnh coi người lái. Khoẻ quá.

Đêm ấy, vì mình mẩy rêm nhức, dân kéo tàu đánh một giấc ngon lành trên giường thê nhi.

Nhưng lúc bình minh vừa ló dạng, từ đầu xóm vang lên tiếng mơ hồ:

- Kéo tàu! Ké... éo tà... àu!

Ai nấy nhẩy nhổm, mở cửa sau mà chạy, sau khi... trăn trối với vợ con:

- Trời! Mới kéo một chuyến mà mệt đuối. Kéo thêm chuyến nữa chắc chết luôn. Má bầy trẻ nhớ nói rằng tôi đi đốn củi rồi nghe. Tổ cha... thằng hương ấp Thum!

Tiếng gọi mơ hồ cứ lan xa, rõ rệt trong sương sớm:

- Kéo tàu... Kéo tà... àu!

Ngồi sau khe cửa, các bà hiền phụ nín thở, quan sát, chờ bóng dáng của hương ấp Thum. Tại sao hắn không đánh mõ...

Nhưng hỡi ôi! Các bà cười vang. Tiếng "kéo tàu" nọ xuất phát từ cổ họng của anh Huê kiều quen thuộc, bán kéo tàu, kim chỉ và tặng kẹo ngọt cho trẻ con. Hắn ngơ ngác, thấy các thân chủ đều đóng cửa, ngủ trưa. Tại sao các thân chủ "tẩy chay" đột ngột như vậy... Nhứt là các thân chủ ấy còn thiếu chịu của hắn một số tiền ngày càng tọ Hắn bực dọc khi nghe tiếng cười, tiếng chửi thề. Nhưng hắn trung thành với nghề tổ, hắn cứ rao to, rao cho hả giận để đánh thức lương tâm dân chúng xóm Tà Lốc!

- Kéo tàu! Kéo tàu... àu!...
Về Đầu Trang Go down
https://thptdamdoi12c2.forumvi.com
 
Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 4
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 1
» Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 2
» Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 3
» Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 5
» Hương Rừng Cà Mau_tác giả: Sơn Nam Part 6

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Welcome to 12C2 Class Forum! :: Góc Thư Giản :: Truyện Ngắn-
Chuyển đến